Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ hai - 08/08/2022 13:54 530 0
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 ở trong nước và tại tỉnh ta cơ bản đang được kiểm soát nhưng trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các trường hợp mắc bệnh, nhập viện và chuyển nặng. Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại.
Ngày 05/8/2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành Công văn số 4457/UBND-VX về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Các ngành, các cấp, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Phòng dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tham gia của nhân dân. Tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.
2. Các ngành, các cấp, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 03 trụ cột phòng, chống dịch, đó là “xét nghiệm, cách ly, điều trị”; công thức 2K “Khẩu trang, Khử khuẩn” + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị Quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bùng phát trở lại. Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin. Sở Y tế hướng dẫn tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả và cụ thể việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi…; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành. Các sở, ban ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin và tiêm các mũi 3, mũi 4 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong; các địa phương tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư với tinh thần truyền thông đến mọi đối tượng, theo cách phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng truyền thông. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, bảo đảm theo tiến độ và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Ngành Y tế.
3. Sở Y tế tiếp tục theo dõi, nắm chắc thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới để chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh các giải pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới phát sinh nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; tiếp tục rà soát, tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, phân tuyến điều trị, hướng dẫn quản lý bệnh nhân F0 tại nhà; điều trị sớm, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong.  Đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế,… phục vụ phòng chống dịch và điều trị.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng, đài truyền thanh cơ sở, chính quyền cấp xã tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh và chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch cá nhân như: đeo khẩu trang, khử khuẩn; đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, gây tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Rà soát, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định và hệ thống đài truyền thanh cơ sở phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin mũi 3, mũi 4, vai trò của ý thức người dân, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới…
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông trong trường học, truyền thông cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ để tạo sự đồng thuận vận động các em và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch COVID-19 đầy đủ, kịp thời. Chỉ đạo các Phòng Giáo dục Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin COVID-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm liều nhắc lại theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
7. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác truyền thông phòng chống dịch; mua hóa chất khử khuẩn, thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch và điều trị, bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
8. Các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp tốt với Sở Y tế trong công tác giám sát, phát hiện, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 góp phần khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện văn bản trên, lãnh đạo Sở Tư pháp đã triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp biết thực hiện./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây