Theo đó, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian đến, đưa tỉnh ta trở về trạng thái "bình thường mới", bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là,quán triệt nguyên tắc “sống chung với COVID-19”, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn phải xây dựng ngay kế hoạch cụ thể của địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Bình Định trong giai đoạn mới, với phương châm “04 tại chỗ”, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” để công tác phòng, chống dịch COVID-19 trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục diễn ra tại cấp cơ sở (cấp xã). Cấp tỉnh, cấp huyện sẽ chỉ hỗ trợ trong những tình huống cấp thiết, vượt quá khả năng của cấp xã.
Hai là,giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về cơ chế hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại điểm 10 Thông báo số 200/TB-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh.
Ba là,tiếp tục tăng cường quản lý các đối tượng nguy cơ cao, nhất là người đến/về từ vùng dịch, lái xe đường dài, trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý theo phương châm “Tầm soát rộng, phong tỏa hẹp” để vừa quản lý chặt địa bàn nhưng ít ảnh hưởng nhất, không gây xáo trộn đến đời sống của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. UBND cấp xã đánh giá mức độ nguy cơ, lập danh sách các đối tượng nguy cơ cao/rất cao, địa bàn nguy cơ cao/rất cao, gửi cho lực lượng chức năng liên quan (y tế, công an, biên phòng) và các Tổ COVID cộng đồng để thực hiện kiểm tra, giám sát.
Bốn là,các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng Trung ương hướng dẫn, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho các phương tiện vận tải theo “luồng xanh” quốc gia và của tỉnh để đảm bảo lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh, ổn định cuộc sống của Nhân dân. Các huyện, thị xã, thành phố liên quan chỉ đạo đảm bảo đến ngày 30/9/2021 trên địa bàn tỉnh chỉ còn 06 chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19: Quy Nhơn 02 chốt tại Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1D; Hoài Nhơn 02 chốt tại Quốc lộ 1A; Vân Canh 01 chốt tại Quốc lộ 19C; Tây Sơn 01 chốt tại Quốc lộ 19. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện 3 đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực... cho các chốt thuộc quyền quản lý để đảm bảo hoạt động trong thời gian dài, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Năm là,tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Thông báo, hướng dẫn các yêu cầu, điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch để hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết, tự giác tổ chức thực hiện.
Sáu là,các địa phương chủ trì tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo đúng đối tượng quy định và chỉ đạo của Sở Y tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh, đảm bảo việc tiêm chủng “nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất”. Giao các Phó Chủ tịch UBND tỉnh/Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy tỉnh theo lĩnh vực được phân công quản lý, thực hiện chỉ đạo, giám sát việc tổ chức tiêm vắc xin của các địa phương. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc tổ chức tiêm vắc xin của các địa phương, kịp thời hướng dẫn việc tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Giao các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Du lịch, Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với Sở Y tế nắm chắc số lượng đối tượng tiêm chủng thuộc phạm vi quản lý, tỷ lệ tiêm vắc xin cho từng đối tượng; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Y tế).
Bảy là,giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý chỉ tổ chức dạy và học khi đảm bảo được an toàn sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên; không tổ chức học trực tiếp khi chưa đảm bảo an toàn.
Tám là,giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tiếp tục tăng cường rà soát, đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, các đối tượng là lao động tự do, hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định phải được hưởng chế độ hỗ trợ trước ngày 30/9/2021.
Chín là,giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu đề xuất phương án chuẩn bị trở lại trạng thái “bình thường mới” với lộ trình, giải pháp theo từng bước cụ thể như: cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách trong điều kiện “bình thường mới”, phục vụ 4 nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; xây dựng bộ tiêu chí đảm bảo hoạt động trong “bình thường mới” trong các lĩnh vực.
Mười là,các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đưa địa phương sang trạng thái “bình thường mới” nhưng tuyệt đối tránh tư tưởng “lơ là, mất cảnh giác” và tránh khuynh hướng “nóng vội trong việc nới lỏng các yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh và chưa đạt độ bao phủ vắc xin cần thiết”./.