Bình Định: Tăng cường công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 219 0
Ngày 25/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình, kết quả công việc; những vấn đề còn tồn đọng; những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

Theo đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số việc liên quan đến xây dựng thể chế, pháp luật; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp; kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý kịp thời những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở kết quả rà soát văn bản.

Để nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác xây dựng văn bản pháp luật trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất,tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 09/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai,nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); chấn chỉnh ngay việc Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không trực tiếp phụ trách trong công tác xây dựng ban hành văn bản QPPL.

Thứ ba,thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, đặc biệt là chất lượng lập đề nghị xây dựng văn bản và trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với ý kiến của các cơ quan có liên quan, nhất là ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp và của các thành viên Ủy ban nhân dân. Các đơn vị, địa phương khi được lấy ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL phải tổ chức lấy ý kiến của các phòng chuyên môn và tập thể lãnh đạo, có nội dung, quan điểm rõ ràng đối với nội dung dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo công tác tham gia ý kiến về văn bản pháp luật phải bám sát yêu cầu phát triển và đổi mới của ngành, lĩnh vực quản lý, để tránh tình trạng không có ý kiến dẫn đến văn bản ban hành không khả thi hoặc phát sinh vướng mắc mới.

Thứ tư,tập trung rà soát các quy định pháp luật giao cho địa phương quy định chi tiết để tham mưu ban hành kịp thời, đồng thời chủ động rà soát các lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo quản lý hiệu quả ngành, lĩnh vực.

Thứ năm,tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý văn bản pháp luật của Trung ương có thể gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ;  

Thứ sáu,nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản QPPL. Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, chủ động, trách nhiệm với Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, đảm bảo giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc trước khi trình UBND tỉnh xem xét thông qua.

Thứ bảy,Sở Tư pháp có trách nhiệm tăng cường vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản QPPL; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương, đồng thời chỉ rõ đơn vị, địa phương buông lỏng chỉ đạo, chậm trễ trong tham mưu xây dựng, xử lý văn bản QPPL báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh; tham mưu hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời kết quả rà soát, kiểm tra văn bản QPPL, đặc biệt là các kết luận kiểm tra của cơ quan Trung ương đối với văn bản QPPL của tỉnh; tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động thông tin, tuyên truyền về chính sách, các văn bản QPPL./.

Tác giả bài viết: B.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây