Kế hoạch triển khai Kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ năm

Thứ năm - 01/06/2023 15:52 336 0
Ngày 26/5/2023, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 814/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ năm. Theo đó, bao gồm các nội dung sau đây:
1. Đẩy mạnh giải quyết hiệu quả các vấn đề hộ tịch, quốc tịch của người dân khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan của hai nước để chủ động, tích cực hoàn thành việc cấp quốc tịch cho các trường hợp người Việt Nam di cư tự do đang cư trú tại Lào, đã có tên trong Danh sách được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước phê duyệt, có nguyện vọng được nhập quốc tịch Lào trước tháng 6/2023. Kịp thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc tịch của Bộ Tư pháp những trường hợp người Việt Nam di cư tự do đã được nhập quốc tịch Lào trên cơ sở Danh sách cho phía Lào cung cấp. Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tích cực nhằm giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật liên quan vấn đề hộ tịch, quốc tịch thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp đối với các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục trên tinh thần quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
2. Nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp về dân sự giữa hai nước. Hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (Hiệp định) ký tháng 01/2023. Nâng cao hiệu quả quản lý công tác tương trợ tư pháp về dân sự; phối hợp với Bộ Tư pháp Lào triển khai có hiệu quả Hiệp định sau khi có hiệu lực. Thúc đẩy việc thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự giữa các cơ quan thi hành án dân sự tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào. Thực hiện nghiêm việc báo cáo cơ quan trung ương về tình hình phối hợp thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định của Hiệp định. Chia sẻ kinh nghiệm đàm phán, ký và thực thi các Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó có việc phối hợp triển khai thực hiện Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN.
3. Tăng cường hiểu biết của người dân về pháp luật của hai nước nhằm nâng cao ý thức tự giác tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết của người dân khu vực biên giới với Lào về pháp luật của hai nước cũng như giải quyết các tranh chấp tại cộng đồng dân cư. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật liên ngành (trọng tâm phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, hôn nhân và gia đình, ma túy, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết...) và hòa giải ở cơ sở hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho người dân khu vực biên giới Lào trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Tiếp tục chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với Bộ đội biên phòng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức linh hoạt cho người dân vùng biên về các lĩnh vực pháp luật trực tiếp liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân tại khu vực biên giới với Lào. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tham mưu phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các cơ sở đào tạo luật. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”. Triển khai hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người dân khu vực biên giới với Lào, nghiên cứu các phương thức tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý đảm bảo người dân khu vực biên giới với Lào sớm tiếp cận trợ giúp pháp lý để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý và phối hợp trong trợ giúp pháp lý cho đối tượng đặc thù nhằm nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của hai nước.
4. Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào và các cặp tỉnh có thỏa thuận hợp tác. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hợp tác hàng năm nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2025 giữa hai Bộ Tư pháp đảm bảo hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của hai Bên. Đẩy mạnh triển khai các Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa các cặp Sở Tư pháp Việt Nam – Lào nhằm đẩy mạnh hợp tác tư pháp đường biên để giải quyết hiệu quả công tác tư pháp ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các Thỏa thuận hợp tác giữa các cặp Sở Tư pháp Việt Nam-Lào phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai và thực hiện các Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, các Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa các cặp Sở Tư pháp Việt Nam – Lào.  Phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 6 vào năm 2024 tại Lào.
5. Tăng cường hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ tư pháp của Bộ và Ngành Tư pháp hai nước. Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam với Học viện Tư pháp quốc gia Lào. Tăng cường việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động hợp tác. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cử cán bộ tư pháp của Việt Nam học tiếng Lào nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động hợp tác pháp luật, tư pháp của hai Bộ, các cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương hai nước. Thực hiện hiệu quả và chất lượng việc đào tạo lưu học sinh Lào sang Việt Nam học theo diện Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam-Lào và các chương trình/học bổng khác (trong đó có lưu học sinh là cán bộ Bộ Tư pháp Lào). Hoàn thành thủ tục kết thúc Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam theo quy định./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây