Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023

Thứ ba - 20/12/2022 15:34 421 0
Chiều ngày 19/12/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Báo cáo kết quả tại Hội nghị cho thấy, năm 2022 toàn ngành Tư pháp đã bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp và đạt được những kết quả nổi bật. Theo đó, công tác xây dựng pháp luật nói chung và thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nói riêng đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt. Các báo cáo thẩm định của bộ, ngành Tư pháp được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL coi là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL. Công tác pháp điển hệ thống QPPL tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, đã cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân làm trung tâm thụ hưởng. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều dấu ấn nổi bật, triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều ấn tượng quan trọng… 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, đó là: Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc theo dõi thi hành pháp luật còn có lúng túng nhất định; công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nơi, có lúc còn nặng về hình thức; chất lượng hoạt động của Tổ Hòa giải cơ sở chưa đồng đều; số việc thi hành án chuyển kỳ sau tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao; vi phạm trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là đấu giá tài sản, công chứng ngày càng tinh vi, phức tạp…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo công tác năm 2022, đề xuất giải pháp về công tác tư pháp năm 2023. Hội nghị đã nhất trí về những định hướng công tác tư pháp năm 2023 với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 14 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực và 6 nhóm giải pháp chủ yếu.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao về những đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp trong năm 2022. Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu năm 2023 đã được xác định tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hoá kịp thời đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, xác định rõ cơ chế phân công phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Chú trọng kiện toàn bộ máy của bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương tăng cường hơn nữa năng lực quản lý chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này và tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các thủ tục nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã được giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây