Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 98 nhiệm vụ, đã hoàn thành 54 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 44 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ đã tiếp nhận, trả lời 249 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, ngành, địa phương (trong đó, có 140 kiến nghị được gửi qua các báo cáo sơ kết 6 tháng), tăng 14 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2019; tiếp nhận, trả lời 12 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 164 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn Ngành đã thẩm định 2.813 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 128 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 353 dự thảo; các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định 2.332 dự thảo. Cả nước đã tổ chức 360.742 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019) cho gần 18 triệu lượt người; phát miễn phí hơn 34,6 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL (tăng 27,2%). Cả nước tiếp nhận 61.040 vụ việc hòa giải (giảm 5,86% so với cùng kỳ năm 2019), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt 79,36%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Hệ thống đã ghi nhận có gần 18.000 công chức làm công tác hộ tịch tại gần 11.000 UBND cấp xã, gần 700 Phòng Tư pháp cấp huyện và 62 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày; đã có gần 9,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh (trong đó có hơn 4 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp Số định danh cá nhân); gần 2,3 triệu hồ sơ đăng ký kết hôn; 1,55 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; gần 3 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác; tổng số thông tin công dân được thu thập trên Hệ thống là gần 35 triệu thông tin.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm các luật sư đã tham gia 32.147 việc (giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019), đạt doanh thu hơn 696 tỷ đồng. Trong công tác công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được 2.850.025 hợp đồng, giao dịch (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019), đóng góp cho Ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế gần 120,6 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương các địa phương đã tích cực triển khai công công tác xây dựng văn bản QPPL, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi hành án dân sự. Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng 9 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Bộ Tư pháp và các địa phương tập trung công tác chỉ đạo, điều hành trên cơ sở bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch công tác của Bộ, ngành đã được phê duyệt và các nhiệm vụ được giao thêm để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với diễn biến mới của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Ngành. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc theo hướng khoa học, hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng công tác phối hợp với Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Kịp thời giải quyết, hướng dẫn đối với các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ./.
Tác giả bài viết: B.H