Sở Tư pháp Bình Định: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 127 0
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế của cơ quan, giai đoạn 2015 - 2021, trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 05/5/2016.

Theo đó, tổng số biên chế công chức hành chính tại Sở Tư pháp được giao năm 2021 là 29 người, giảm 03 người, đạt tỷ lệ 10,3 % so với năm 2015; tổng số biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp được giao năm 2021 là 23 người, giảm 29 người, đạt tỷ lệ 56 % so với năm 2015. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do đó đã thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Đến nay, Sở Tư pháp đã đảm bảo thực hiện Đề án tinh giản biên chế đạt chỉ tiêu và lộ trình đề ra.

Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4548/QĐ-UBND ngày 20/12/2018. Theo đó, sáp nhập phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp thành phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, sáp nhập phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thành Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Từ đó, giảm đầu mối cấp Phòng từ 07 phòng chuyên môn còn 05 phòng chuyên môn. Sau đó, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 19/3/2021. Theo đó, sắp xếp, tổ chức lại Phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật thành Phòng Văn bản quy phạm pháp luật - Quản lý xử lý vi phạm hành chính; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật. Kết quả, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp đã được sắp xếp, tổ chức lại đảm bảo không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; đồng thời đảm bảo mỗi phòng có 05 biên chế. 

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp,hiện nay Sở Tư pháp đã chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mục tiêu theo quy định, cụ thể: Sở Tư pháp có 01 đơn vị tự chủ đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư (Phòng Công chứng số 1); 03 đơn vị tự chủ đảm bảo chi thường xuyên (Phòng Công chứng số 2, số 3 và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản) và 01 đơn vị nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước).

Có thể nói, công tác quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII được Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc, tạo sự thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong  công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước./.

Tác giả bài viết: B.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây