Theo đó, Kế hoạch tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo một số lĩnh vực như: bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, quản lý nhà nước, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số đối với cán bộ, công chức; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị, chuyên môn nghiệp vụ gắn với chuyển đổi số đối với viên chức; đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về mục tiêu đến năm 2025:
Bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có từ 30% đến 50% Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cấp sở, cấp huyện được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị. Phấn đấu 100% công chức cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ. Phấn đấu từ năm 2023 - 2025, mỗi năm cử 02 đến 03 cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nỗi trội, có thành tích xuất sắc trong công tác và có triển vọng phát triển tham gia các lớp bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, đề án của Trung ương. Mỗi năm, tổ chức ít nhất 03 lớp bồi dưỡng trở lên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tài chính kế toán, phát triển đô thị, công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, giáo dục, y tế (mỗi lớp có từ 40 đến 50 cán bộ, công chức). Mỗi năm, tổ chức từ 07 đến 10 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, tập trung vào ngành, lĩnh vực quản lý đô thị, chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số trong công tác lưu trữ, khoa học và công nghệ, tổ chức và cán bộ.
Bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã phấn đấu đến năm 2025, có 100% cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường; kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% công chức cấp xã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Bồi dưỡng đối với viên chức: Phấn đấu đến năm 2025, 100% viên chức lãnh đạo, quản lý đảm bảo tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 100% viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Đào tạo sau đại học: Mỗi năm, cử từ 30 đến 50 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có ít nhất 03 tiến sĩ, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, du lịch, phát triển đô thị, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý xây dựng, các ngành kỹ thuật. Mỗi năm, cử từ 50 đến 70 viên chức đi đào tạo trình độ chuyên khoa cấp I, cấp II các chuyên ngành y, dược.
Định hướng đến năm 2030 đảm bảo duy trì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các tiêu chí, tỉ lệ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030, nhất là hình thành đội ngũ chuyên gia trên một số lĩnh vực theo yêu cầu phát triển của tỉnh.
Kế hoạch đã xác định một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với sự phát triển của tỉnh.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các quy định, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.