Triển khai thực hiện Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế

Thứ bảy - 01/07/2023 06:58 2.242 0
Ngày 14/6/2023, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 999/SNV- TCBC&TCPCP về việc triển khai thực hiện Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế. Theo đó, Sở Nội vụ hướng dẫn một số nội dung về quy định tinh giản biên chế, cụ thể như sau:  
Về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế:
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp: Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ; Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
4. Người làm việc trong các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, đ, e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.
5. Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (không bao gồm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập) dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các công ty lâm, nông nghiệp quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
6. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
7. Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dôi dư do sắp xếp lại quỹ đó theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về thời gian, trình tự, thành phần hồ sơ:
1. Thời gian: Chậm nhất là ngày 01 tháng 10 của năm trước liền kề, các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi tờ trình, danh sách, hồ sơ đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế 6 tháng đầu năm sau liền kề của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Chậm nhất là ngày 01 tháng 4 hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi tờ trình, danh sách, hồ sơ đối tượng tinh giản biên chế và dự toánkinh phí thực hiện tinh giản biên chế 6 tháng cuối năm của đơn vị, địa phương mình để Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Trình tự thực hiện: Căn cứ thời gian quy định nêu trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Nội vụ để thẩm định đối tượng tinh giản biên chế và gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Tài chính để
thẩm định việc tính toán chế độ chính sách, kinh phí thực hiện tinh giản biên
chế. Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định đối tượng tinh giản biên chế trên cơ sở danh sách, hồ sơ do cơ quan, đơn vị, địa phương gửi đến và có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Tài chính thẩm định kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế. Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định việc tính toán kinh phí thực hiện giải quyết chính sách tinh giản biên chế và trả lời bằng văn bản để Sở Nội vụ tổng hợp. Hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản theo quy định; trình cấp có thẩm quyền
quyết định bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí thực hiện tinh giản biên chế và thông báo kết quả để cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện giải quyết và chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng tinh giản. Kết thúc đợt chi trả các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp quyết toán kinh phí theo quy định và hướng dẫn của Sở Tài chính về nguồn kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

3. Thành phần hồ sơ:
a) Hồ sơ đề nghị: Văn bản, Tờ trình đề nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Bảng tổng hợp chung của đơn vị, địa phương tính tiền trợ cấp của các
đối tượng đề nghị tinh giản biên chế (Phụ lục 2, 1a, 1b, 1c, 1d). Số lượng: 02 bộ, gửi Sở Nội vụ (01 bộ), Sở Tài chính (01 bộ).

b) Hồ sơ cho từng đối tượng: Đơn đề nghị nghỉ hưởng chính sách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (trong đó nêu rõ lý do và thời điểm, nghỉ theo đối tượng nào). Bản ghi quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (có ý kiến xác nhận của cơ quan BHXH về tổng thời gian đóng BHXH tính tới thời điểm lập hồ sơ). Văn bản của cấp có thẩm quyền xác định đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lãnh đạo công ty,....(Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức hoặc văn bản có liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự của cấp có thẩm quyền,...). Các Quyết định xếp lương, nâng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề hoặc phụ cấp công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm được hưởng trong 60 tháng kể từ ngày đề nghị tinh giản biên chế. Biên bản họp xét của đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thông qua danh sách, giải quyết chính sách tinh giản biên chế. Phiếu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan có thẩm quyền. Bảng tính tiền lương bình quân 60 tháng trước thời điểm tinh giản biên chế của từng đối tượng tinh giản. Bảng tính tiền trợ cấp của từng đối tượng đề nghị tinh giản biên chế (Phụ lục 2, 1a, 1b, 1c, 1d). Các văn bản, tài liệu chứng minh đối tượng có đủ điều kiện giải quyết tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 2, Điều 18 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. Giấy cam kết chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Về tổ chức thực hiện:
1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương: Xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế đến 2026 và kế hoạch tinh giản biên chế hằng năm; thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa người làm chuyên môn, nghiệp vụ và chuyên môn dùng chung; thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế và sử dụng biên chế. Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế. Khi giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế phải chịu trách nhiệm: Thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan dừng thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho đối tượng tinh giản biên chế không đúng quy định; chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội số kinh phí đã chi trả cho người thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế); Chịu trách nhiệm thu hồi tiền hưởng chính sách tinh giản biên chế đã cấp cho đối tượng đó; Chi trả cho người đã thực hiện tinh giản biên chế số tiền chênh lệch giữa tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật với chế độ bảo hiểm xã hội đã được hưởng; Xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan; đồng thời chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước liền kề báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính theo quy định./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây