BỘ TƯ PHÁP BAN HÀNH HƯỚNG DẪN MỚI VỀ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Thứ tư - 22/12/2021 16:12 733 0
Ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
Thông tư quy định về việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; quản lý việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Thông tư áp dụng đối với người tập sự hành nghề luật sư, luật sư hướng dẫn tập sự, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, cá nhân, tổ chức có liên quan. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2022 và thay thế Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.
Với mục tiêu đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư. Đồng thời nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư, chất lượng giám sát tập sự hành nghề luật sư và chất lượng các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Thông tư đã bổ sung nhiều quy định mới so với Thông tư số 19/2013/TT-BTP như: Quy định người tập sự hành nghề luật sư phải có Bằng cử nhận luật hoặc Bằng thạc sỹ luật (điểm b khoản 1 Điều 3); nội dung tập sự hành nghề luật sư (Điều 6); nhật ký tập sự, báo cáo quá trình tập sự (Điều 7); gia hạn tập sự hành nghề luật sư (Điều 10); trách nhiệm của luật sư hướng dẫn (Điều 13); trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự (Điều 14); nội quy kiểm tra (Điều 22); trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư (chương IV).
Những quy định mới nói trên khi Thông tư có hiệu lực thi hành sẽ góp phần đưa việc tập sự hành nghề luật sư đi vào nền nếp, thực chất, hạn chế việc tập sự mang tính hình thức, “đánh trống ghi tên” từ đó nâng cao chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp của đội ngũ luật sư, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế./.
 

Tác giả bài viết: Thanh Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây