Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thi hành luật Công chứng

Thứ ba - 18/01/2022 13:47 417 0
Ngày 14/01/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị trực tuyến diễn ra tại 64 điểm cầu trên toàn quốc.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, đồng chí Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Công chứng, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trình bày các tham luận đáng chú ý như: Công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn TPHCM; Vai trò của công chứng trong hoạt động của Ngân hàng; Một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng… Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật công chứng và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động công chứng trong thời gian tới.
Theo báo cáo 05 năm thi hành luật công chứng của Bộ Tư pháp thì công tác triển khai luật công chứng đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng ở Trung ương, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm “phục vụ, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở , bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, số lượng tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục phát triển. Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 Phòng công chứng và 1031 Văn phòng Công chứng. So với thời điểm trước khi Luật Công chứng năm 2006 tăng 526 tổ chức (tăng gần 02 lần). Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Văn phòng Công chứng theo chủ trương xã hội hóa.
Riêng tỉnh Bình Định15 TCHNCC, trong đó có 03 Phòng công chứng và 12 Văn phòng Công chứng.Trong 5 năm thi hành Luật công chứng, vị trí, vai trò của công chứng ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Số lượng và tính chất giao dịch công chứng ngày càng tăng, đa dạng; đa số các văn bản đều đảm bảo an toàn pháp lý. Các TCHNCC cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc, chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí thu được khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoản gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Cơ sở pháp lý chưa thực sự đồng bộ, đầy đủ; việc triển khai các quy định hiện hành còn thiếu thống nhất; công tác quản lý nhà nước còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; lúc, có nơi còn lúng túng, lỏng lẻo; Vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên còn mức độ, một số còn chậm; số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người giao nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn thiếu ổn định, bền vững; chất lượng hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao kết quả hoạt động công chứng trong thời gian qua ngày càng phát triển, thu phí và thù lao công chứng tăng đã khẳng định rõ vai trò của công chứng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; công tác kiểm tra, thanh tra ngày càng có chất lượng. Thứ trưởng cũng đánh giá việc chuẩn bị tốt nội dung tham luận của các đơn vị tại hội nghị; đồng thời hoan nghênh tinh thần dân chủ, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đi thẳng vào vấn đề, nêu lên những kiến nghị, đề xuất, nhất là những ý kiến cụ thể về những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa công tác công chứng cũng như xác định những định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã kết luận những việc mà ngành tư pháp cần thực hiện trong thời gian tới: Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đúng định hướng Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ, có đầy đủ năng lực và uy tín; Xây dựng đội ngũ công chứng viên đảm bảo về chất lượng và đủ về số lượng; Tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề công chứng trong việc trao đổi tiếp cận thông tin; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; Các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện những sai sót nhằm chấn chỉnh, xử lý các vi phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Đồng thời, phát huy, nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên./.

Tác giả bài viết: Hồ Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây