Đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú

Thứ năm - 07/10/2021 11:10 2.031 0
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư; Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú
Bản chính trích lục hộ tịch sẽ được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký còn đối với bản sao trích lục hộ tịch nếu có nhu cầu, công dân có thể thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch “ Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật” và “ Cá nhân có thề được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống”. Đồng thời, theo quy định Điều 63 của Luật Hộ tịch “ Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký”. Như vậy, theo quy định của Luật Hộ tịch thì công dân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối và hoàn chỉnh trên toàn quốc thì việc thực hiện các nội dung trên gặp nhiều hạn chế.
Thứ nhất, đối với việc đăng ký các sự kiện hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú
Trong giai đoạn chuyển tiếp khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa chia sẻ thông tin, các Cơ quan đăng ký hộ tịch gần như không có căn cứ để xác định thông tin nhân thân công dân ngoài việc yêu cầu công dân cung cấp các giấy tờ hợp lệ chứng minh nhân thân. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu hộ tịch đện tử chưa được kết nối trên toàn quốc nên việc xác định công dân đã đăng ký sự kiện hộ tịch đó tại một Cơ quan đăng ký hộ tịch nào khác chưa là một việc hết sức khó khăn. Do đó, để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “ Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật” trong giai đoạn chuyển tiếp, theo quy định khoản 1 Điều 2 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm cơ sở cho Cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin.
Thứ hai, đối với việc cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú
Trong giai đoạn chuyển tiếp khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối toàn quốc nên trường hợp công dân đến Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch không phải là Cơ quan đăng ký sự kiện hộ tịch cần cấp bản sao trích lục thì việc cấp bản sao trích lục từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là không thể thực hiện được do Cơ quan đăng ký hộ tịch không có thông tin. Vì vậy, để thực hiện cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người dân trong giai đoạn chuyển tiếp thì Cơ quan tiếp nhận yêu cầu hướng dẫn người dân về nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây để yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch từ Sổ hộ tịch giấy./.

Tác giả bài viết:  Phạm Thị Thơm

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây