Thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải

Thứ ba - 30/05/2023 15:54 452 0
Ngày 29/5/2023, Ùy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1878/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Theo đó, mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030 nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam; Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh được thực hiện tại Quyết định số 876/QĐ - TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đáp ứng theo lộ trình tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch: Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển của tỉnh. Khuyến khích, thu hút đầu tư chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải nhà kính đối với phương tiện giao thông, phát triển hệ thống sạc điện, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh...
2. Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh: Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện vận tải. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh: Triển khai phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, chú trọng hạ tầng phục vụ phát triển vận chuyển giao thông cộng cộng với khối lượng lớn (đường sắt đô thị, tàu điện ngầm...), phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Các công trình giao thông (bến xe, bến tàu, bến cảng, nhà ga...) đảm bảo phát triển và chuyển đổi theo tiêu chí xanh đúng quy định. Phối hợp triển khai Quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.
4. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính: Áp dụng giới hạn định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính. Tổ chức khoa học, hợp lý giữa các phương thức vận tải, thúc đẩy chuyển đổi phương thức đường bộ sang các loại hình khác. Tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, giảm ùn tắc hàng hoá trong hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; tổ chức quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả phương tiện, trang thiết bị hạ tầng giao thông vận tải. Từng bước nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
5. Hợp tác quốc tế: Tham gia hợp tác quốc tế giữa chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước trên thế giới cũng như chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế tại tỉnh Bình Định về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong lĩnh vực giao thông vận tải (như: Đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội nghị, hội thảo...).
6. Khoa học công nghệ: Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh; đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực ngành giao thông vận tải.
7. Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng, mở mới các ngành đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề về công nghệ phương tiện, năng lượng, kết cấu hạ tầng xanh. Đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng giao thông công nghệ mới không phát thải khí nhà kính. Xây dựng truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây