Để chủ động phòng chống dịch SXH hiệu quả trong các tháng cao điểm của năm 2023, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, ngày 23/3/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 1625/UBND-VX về việc chủ động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2023) của tỉnh; tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH. Chủ động phối hợp, cung cấp nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch SXH, các biện pháp vệ sinh phòng dịch cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu và thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại trường học về các biện pháp phòng chống SXH, đặc biệt là tuyên truyền hướng dẫn các em học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng chống SXH tại trường học, gia đình và cộng đồng. Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng; đảm bảo thu dung, cách ly và điều trị kịp thời các ca bệnh theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ… để phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân kịp thời. Chỉ đạo y tế các địa phương tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống SXH. Chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng, chống dịch SXH. Báo cáo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, hỗ trợ tuyến dưới; đánh giá việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh thuộc thẩm quyền; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời đối với các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định và hệ thống Đài truyền thanh cơ sở chủ động phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trước, trong mùa dịch; lồng ghép với truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực, thực hiện các biện pháp phòng dịch cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn các vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng/bọ gậy, muỗi phát triển...
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh SXH trong nhà trường, đặc biệt là truyền thông hướng dẫn các em học sinh tham gia diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng chống dịch bệnh SXH tại trường học, gia đình và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh SXH tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ dưới 5 tuổi.
4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác truyền thông phòng chống dịch; mua hóa chất khử khuẩn, thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch và điều trị theo quy định.
5. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tại địa bàn tích cực phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng/ bọ gậy theo hướng dẫn, đề xuất của đơn vị y tế trên địa bàn. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch theo yêu cầu của ngành Y tế. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ các hoạt động phòng chống SXH tại địa phương.
6. Đề nghị các hội, đoàn thể phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động hội viên, đoàn viên tham gia tích cực, trực tiếp tuyên truyền đến tận hộ gia đình để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH theo hướng dẫn của ngành Y tế.
7. Đề nghị các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp tốt với Sở Y tế trong công tác giám sát, phát hiện và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH, góp phần khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện văn bản trên, Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp biết thực hiện./.