Về phạm vi điều chỉnh: Hướng dẫn này áp dụng đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại nội dung số 01 điểm a khoản 4 Mục III của Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Hướng dẫn này không áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các nội dung khác không được nêu tại văn bản này thì thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác có liên quan.
Về đối tượng áp dụng: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng các dự án tại: Các xã, thôn (làng) ĐBKK (xã khu vực III, các thôn ĐBKK); các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN (đối với nội dung đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã) quy định tại Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, quản lý dự án đầu tư xây dựng:
Lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở: Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 (sau đây gọi tắt là Luật Xây dựng năm 2014). Nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật xây dựng năm 2014. Nội dung thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật xây dựng năm 2014, khoản 4 Điều 78 Luật xây dựng năm 2014 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (sau đây gọi tắt là Luật Xây dựng sửa đổi 2020).
Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở: Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định tại tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp và phân công trách nhiệm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bình Định và theo các quy định về Quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Chủ đầu tư thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các nội dung quy định tại Điều 83 Luật xây dựng năm 2014 được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở: Thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật Đầu tư công năm 2019 và Quyết định số 4477/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh về việc ủy quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp văn bản của cơ quan chuyên môn về xây dựng và các cơ quan, tổ chức có liên quan; thực hiện các yêu cầu (nếu có); phê duyệt thiết kế xây dựng (thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước) theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Lựa chọn hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng: Người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể: Người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính. Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo điểm a khoản này, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.
Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Các nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2021/NĐ-CP) và Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 11/2021/TT-BXD). Các nội dung liên quan đến dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, Thông tư số 11/2021/TT-BXD, Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành định mức xây dựng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2021/TT-BXD). Việc xác định chi phí quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Thông tư số 12/2021/TT-BXD. Việc xác định chi phí tư vấn đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 31 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Thông tư số 12/2021/TT-BXD.
Về quản lý chất lượng, thi công xây dựng: Nội dung, trình tự quản lý thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 06/2021/NĐ-CP). Nội dung phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Quyền, nghĩa vụ và việc phân định trách nhiệm của các chủ thể theo các quy định nêu trên phải được thể hiện trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý chất lượng, thi công xây dựng theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Tổ chức lập, chấp thuận, kiểm tra biện pháp thi công đảm bảo an toàn công trình theo quy định tại điểm b, điểm đ khoản 3, khoản 18 Điều 13, điểm b, điểm e khoản 1 Điều 19 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng. Công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 120 Luật Xây dựng năm 2014, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 121, Điều 122 Luật Xây dựng năm 2014, khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 19 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Nhà thầu lập thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định trong hợp đồng xây dựng đối với các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Việc tổ chức thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng phải được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Chủ đầu tư phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 65/2021/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh để thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành công trình theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Chủ đầu tư phải tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định số 06/2021/NĐ-CP trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành. Việc lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng thực hiện theo Điều 26 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Việc bàn giao công trình thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP./.