Tuyển dụng viên chức theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ

Thứ sáu - 05/11/2021 08:44 3.373 0
Tuyển dụng viên chức là khâu đầu tiên, quyết định chất lượng nguồn nhân lực mà các cơ quan, tổ chức hết sức quan tâm, chú trọng. Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức được quy định tại Luật Viên chức năm 2010, Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 và cụ thể hóa tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, về thẩm quyền tuyển dụng viên chức, tại Điều 7, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.
Về căn cứ tuyển dụng viên chức, tại Điều 4, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP nêu rõ việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập; Nội dung kế hoạch tuyển dụng quy định cụ thể về: Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức, số lượng viên chức cần tuyển ở từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm, hình thức nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển, các nội dung khác (nếu có).
Về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức, tại Điều 5, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định: Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo. Người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Về thi tuyển viên chức, tại Điều 9, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về hình thức, nội dung và thời gian thi. Theo đó, thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Vòng 1, thi kiểm tra kiến thức chung; Vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Hình thức thi, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; thực hành; thi viết.
Về xét tuyển viên chức, tại Điều 11, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về nội dung, hình thức xét tuyển viên chức. Theo đó, xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng: Vòng 1, kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2; Vòng 2, được thực hiện giống như vòng 2 của thi tuyển viên chức.
Về tiếp nhận vào làm viên chức, tại Điều 13, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định: Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp sau:
a)  Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các đối tượng quy định tại khoản này), gồm: Người đang là cán bộ, công chức cấp xã; Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
b) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.
c) Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngoài ra, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP còn quy định về trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức…
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã tạo dựng một cơ sở pháp lý khá vững chắc cho hoạt động tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Để củng cố đội ngũ viên chức và đảm bảo đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp. Vừa qua, Sở Tư pháp Bình Định đã ban hành văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở tổ chức tuyển dụng viên chức tại đơn vị mình quản lý đảm bảo đúng quy định./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây