Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Địnhhttps://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 06/03/2023 16:436.3830
Xóa án tích là xóa bỏ án tích của người phạm tội khi thỏa mãn điều kiện xóa án tích theo quy định Bộ luật Hình sự. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa án tích gồm 3 trường hợp: Xóa án tích đương nhiên, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trường hợp đặc biệt. Theo đó, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trường hợp đặc biệt thuộc thẩm quyền của Tòa án; Xóa án tích đương nhiên thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Kể từ ngày 01/01/2018 Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, Sở Tư pháp tiếp nhận và thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích trên 1.000 trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp gặp khó khăn, vướng mắc như:
Thứ nhất, xác minh thông tin bản án
Trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, thẩm quyền xóa án tích do Tòa án thực hiện, vì vậy, đối với trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có án tích thì Sở Tư pháp yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận xóa án tích do Tòa án cấp. Sở Tư pháp chỉ thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích “ trong trường hợp cần thiết” theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp. Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, Sở Tư pháp tiến hành xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đối với tất cả các trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thông tin án tích. Việc xác minh thông tin bản án của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong một số trường hợp rất khó khăn vì không có thông tin phản hồi của Tòa án về việc cung cấp thông tin bản án đặc biệt là các bản án do Tòa án cấp huyện xét xử trước khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực ngày 01/7/2010. Do đó, Sở Tư pháp không có đủ cơ sở để xác định tình trạng án tích để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người yêu cầu.
Thứ hai, xác minh thông tin về chấp hành hình phạt chính
Thực tiễn xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cho thấy, đối với các trường hợp Sở Tư pháp đã xác định tình trạng án tích, qua xác minh tại các cơ quan có liên quan và người bị kết án không còn lưu giữ giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, tuy người bị kết án đảm bảo về mặt thời gian theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng Sở Tư pháp không thể xác định thời điểm xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tương tự với hình phạt tù có thời hạn, nhiều trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, Sở Tư pháp đã xác minh tại các cơ quan có liên quan nhưng được phản hồi không có thông tin về việc chấp hành xong hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc không tìm thấy hồ sơ theo dõi quá trình thi hành án. Do đó, Sở Tư pháp không đủ căn cứ để xác định rõ tình trạng thi hành án để xóa án tích.
Thứ ba, xác minh thông tin về chấp hành nghĩa vụ dân sự, án phí
Theo quy định Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Hết thời hiệu này, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ từ chối yêu cầu thi hành án. Thực tiễn khi xác minh tình trạng thi hành nghĩa vụ dân sự, án phí… đối với việc thi hành các quyết định này, nếu người bị kết án chưa thi hành xong các nghĩa vụ theo bản án đã tuyên thì không đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích. Do đó, khi thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp mục đích xóa án tích, người bị kết án mới có nhu cầu thực hiện các nghĩa vụ này, tuy nhiên, cơ quan Thi hành án dân sự đã từ chối thi hành ( trường hợp thi hành án theo yêu cầu) vì đã quá thời hiệu thi hành án theo quy định ( trừ trường hợp chứng minh được do trở ngại khách quan). Để tháo gỡ khó khăn này, Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành Công văn số 648/TCTHADS-NV2 ngày 03/03/2020 hướng dẫn, tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan Thi hành án dân sự chưa thống nhất.
Từ những khó khăn, vướng mắc như trên, để đảm bảo việc thi hành những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các trường hợp đương nhiên xóa án tích hiệu quả cần có giải pháp sau:
Một là, các Cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án dân sự ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp đương nhiên xóa án tích.
Hai là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp và các Cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án dân sự trong việc tra cứu, xác minh, cung cấp các thông tin về việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đặc biệt là các thông tin về án tích có trước ngày 01/7/2010 nhằm đảm bảo thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân theo quy định.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý, cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin án tích do các cơ quan cung cấp theo quy định Luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm phục vụ việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân khi có yêu cầu.
Bốn là, Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xác minh đương nhiên xóa án tích cũng như các quy định mới liên quan đến lĩnh vực lý lịch tư pháp được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp./.