Chính phủ ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn

Thứ tư - 18/12/2024 07:54 75 0
Ngày 10/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (gọi tắt là Nghị định). Nghị định gồm có 27 Điều, quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Một số nội dung cơ bản của Nghị định như sau:
Một số hệ thống quan trắc đang hoạt động của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định
Một số hệ thống quan trắc đang hoạt động của Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn gồm:
- Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn;
- Vi phạm quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
- Vi phạm quy định về truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
- Vi phạm quy định về quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn;
- Vi phạm quy định về cung cấp, khai thác, sử dụng, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;
- Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
- Vi phạm quy định về tác động vào thời tiết;
- Các hành vi vi phạm khác về khí tượng thủy văn quy định tại Nghị định.
Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả:
Theo quy định của Nghị định mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Theo đó, các hành vi có mức phạt tiền tối đa gồm: Cố ý cung cấp sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cố ý vi phạm quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (khoản 4 Điều 7); làm hỏng phương tiện đo, thiết bị thông tin hoặc thiết bị kỹ thuật có giá trị trên 500.000.000 đồng (điểm e khoản 6 Điều 12); không thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực theo kế hoạch đã phê duyệt; tác động vào thời tiết mà không có kế hoạch được phê duyệt (khoản 4 Điều 15).
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, tùy từng hành vi vi phạm cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ 01 tháng đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với một số hành vi cụ thể quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 6; khoản 4 Điều 11; khoản 3, 4 Điều 13; khoản 3 Điều 14 và điểm b khoản 4 Điều 15 của Nghị định.
Thẩm quyền xử phạt
Nghị định quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường; lực lượng Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa; thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, xây dựng, thông tin và truyền thông.
Trong đó, Nghị định quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định trong phạm vi quản lý của mình và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền, cụ thể:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; ap dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025, bãi bỏ nội dung trong các Nghị định sau đây:
Khoản 2 Điều 1Chương IIđiểm a khoản 2 Điều 21; cụm từ “khí tượng thủy văn” tại tên Nghị định, căn cứ ban hành, tên Chương IV, tại khoản 1 và khoản 4 Điều 1, tại Điều 2, tại khoản 1 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ;
- Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ;
Điều 3 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.

Tác giả bài viết: TTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây