Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 và đã được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2020. Sau gần 10 năm thi hành, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận; cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Luật năm 2015 cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do vậy, việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua.
Các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về phản biện xã hội, tham gia góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 5): Đề nghị bổ sung nội dung “hồ sơ chính sách, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra” vì chính sách cũng phải thực hiện thủ tục thẩm định (Điều 33) và gửi thẩm định, thẩm tra; ngoài chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn bao gồm các văn bản, tài liệu khác trong đó có văn bản phản biện xã hội nên phải quy định là “hồ sơ chính sách”. Đề nghị quy định văn bản góp ý phải gửi cùng dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền vì trên thực tế, hồ sơ gửi thẩm định các dự thảo nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND bao gồm văn bản góp ý, báo cáo giải trình, tiếp thu góp ý của cơ quan soạn thảo để cơ quan thẩm định, thẩm tra xem xét, đánh giá toàn diện, nhất là các văn bản góp ý của các cơ quan liên quan như Tài chính, Nội vụ...
Về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8): Dự thảo chỉ mới quy định hình thức văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc bị đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó là bằng văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị bổ sung quy định hình thức văn bản đình chỉ, bãi bỏ văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền cấp trên. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được HĐND, UBND cấp xã ban hành trước đây thì khi muốn bãi bỏ sẽ thực hiện như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo có quy định chuyển tiếp về vấn đề này cho rõ ràng, dễ áp dụng. Đề nghị quy định về số lần sửa đổi, bổ sung một văn bản, trong trường hợp vượt quá số lần sửa đổi, bổ sung thì phải ban hành văn bản thay thế; bởi vì, có trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung rất nhiều lần, mỗi lần sửa đổi không quá một phần hai số điều nên vẫn tiếp tục sửa đổi, bổ sung mà không được ban hành văn bản để thay thế (như Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi 04 lần mà chưa ban hành luật mới thay thế).
Về xây dựng chính sách của luật, pháp lệnh, nghị quyết (Điều 30): Đề nghị chỉnh sửa nội dung “cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” thành “thoả thuận trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” nhằm thống nhất với cách sử dụng từ ngữ với Luật Điều ước quốc tế. Ngoài ra, trong điều ước quốc tế, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận cả quyền và nghĩa vụ; do vậy, việc xây dựng chính sách của luật, pháp lệnh, nghị quyết phải nhằm luật hoá quyền và nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều ước quốc tế, nếu Dự thảo dùng từ “cam kết” thì chỉ để luật hoá nghĩa vụ mà chưa luật hoá quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 51): Đề nghị cân nhắc quy định cụ thể điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; bởi vì, việc quy định “Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật kể từ ngày thông qua hoặc ngày ký ban hành” có thể sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.