Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong phương thức thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong thực hiện TTHC, từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực hộ tịch, y tế, hướng tới chuyển đổi số triệt để hơn trong hoạt động liên thông TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký khai tử (ĐKKT); Thu thập đầy đủ, kịp thời dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, cấp Giấy báo tử, thông tin tử vong để phục vụ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trực tuyến; Giảm chi phí, hạn chế sai sót, bảo đảm quyền đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử của cá nhân, đồng thời Cải cách TTHC, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Phạm vi của Đề án được triển khai thí điểm chủ yếu tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lựa chọn.
Bên cạnh đó, Đề án đã đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm:
(1) Xây dựng Quy trình nghiệp vụ thực hiện liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử;
(2) Nghiên cứu xây dựng, bổ sung chức năng cho Phần mềm bảo đảm khả năng kết nối, khai thác, sử dụng dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong Nguồn dữ liệu Y tế để thực hiện việc ĐKKS, ĐKKT trực tuyến phù hợp quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ;
(3) Lựa chọn đơn vị (cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan đăng ký hộ tịch) thực hiện thí điểm và thống nhất phương án triển khai;
(4) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn khai thác, sử dụng dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, thông tin tử vong để phục vụ việc ĐKKS và cấp Giấy khai sinh; ĐKKT và cấp Trích lục khai tử trên môi trường điện tử;
(5) Chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm.
(6) Xây dựng Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án thí điểm./.