Nghị định gồm 07 Chương, 29 Điều quy định chi tiết các nội dung: (i) Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (ii) Yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản Quốc gia, yêu cầu, điều kiện, việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến (ĐGTT); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản Quốc gia, trang thông tin Điện tử trực tuyến; trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến theo quy định tại khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (iii) Trả giá, chấp nhận giá, lựa chọn cách thức trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (iv) Xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
1. Về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền
Nghị định quy định chi tiết 02 trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền như sau: Trường hợp Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản thì trong thời hạn 03 ngày làm việc Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đấu giá tài sản đến trụ sở của Sở Tư pháp để giải trình. Sau 10 ngày làm việc mà người được yêu cầu không đến giải trình thì Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người được yêu cầu không thể đến giải trình. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đấu giá tài sản đến giải trình thì Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức có liên quan xem xét nội dung giải trình và xác định doanh nghiệp đấu giá tài sản thuộc hoặc không thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung giải trình và thực hiện: Không thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày xác định doanh nghiệp đấu giá tài sản không thuộc trường hợp bị đề nghị thu hồi hoặc cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị không thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày không chấp thuận nội dung giải trình và xác định doanh nghiệp đấu giá tài sản thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp.
2. Về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến
Nghị định quy định chi tiết về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin ĐGTT, cụ thể như sau:
- Yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến (Điều 5): Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và trang thông tin ĐGTT như yêu cầu về công khai, minh bạch, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin, hoạt động ổn định, liên tục và phải đạt cấp độ 3 theo quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, đáp ứng các yêu cầu về việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự cần thiết cho việc vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin ĐGTT và có các chức năng nghiệp vụ tối thiểu như đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả bằng mã số riêng, hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; hiển thị liên tục giá khởi điểm của tài sản đấu giá, giá trả cao nhât và giá trả thấp nhất; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, người tham gia đấu giá không thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá sau thời điểm kết thúc nộp hồ sơ, thực hiện việc trả giá sau thời điểm kết thúc cuộc đấu giá...
- Việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến (Điều 6): Nghị định quy định thẩm định, phê duyệt trang thông tin ĐGTT. Theo đó, Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định trang thông tin ĐGTT và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng với thành phần gồm đại diện Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá, CNTT. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định các điều kiện đối với trang thông tin ĐGTT; tính khả thi, hiệu quả của Đề án khi đi vào vận hành. Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, phê duyệt trang thông tin ĐGTT trong thời hạn 90 ngày.
- Dừng việc thực hiện đấu giá trực tuyến (Điều 7): Nghị định quy định định kỳ hằng năm hoặc trong trường hợp đột xuất, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra việc quản lý, vận hành trang thông tin ĐGTT, nếu không đáp ứng điều kiện theo quy định thì yêu cầu nâng cấp hệ thống ĐGTT. Tổ chức có trang thông tin ĐGTT có trách nhiệm nâng cấp hệ thống ĐGTT trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời gian thực hiện việc nâng cấp hệ thống ĐGTT, không được sử dụng trang thông tin ĐGTT này để tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp sau khi nâng cấp mà trang thông tin ĐGTT không đáp ứng yêu cầu, điều kiện thì Giám đốc Sở Tư pháp xem xét dừng việc thực hiện hình thức ĐGTT đối với trang đó.
- Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin ĐGTT: Nghị định quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể gồm có Bộ Tư pháp, tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, tổ chức có trang thông tin ĐGTT trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin ĐGTT đảm bảo bám sát trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định. Đồng thời, để đảm bảo chặt chẽ, Nghị định quy định trách nhiệm của người tham gia đấu giá khi tham gia Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin ĐGTT như đảm bảo trang thiết bị khi tham gia đấu giá; chịu trách nhiệm trong trường hợp hệ thống mạng của mình gặp sự cố dẫn đến không thể tham gia đấu giá, trả giá, quản lý và bảo mật tài khoản, mật khẩu được cấp và quy định trách nhiệm của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến.
2. Về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến
Nghị định quy định cụ thể trình tự đấu giá bằng hình thức trực tuyến đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên môi trường internet. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá, mua hồ sơ mời tham gia đấu giá thì được tổ chức hành nghề đấu giá tài sản cấp một tài khoản truy cập. Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản truy cập để xem tài sản, nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước và tham dự phiên đấu giá theo Quy chế cuộc đấu giá. Thời gian trả giá của cuộc đấu giá do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản nhưng tối thiểu là mười lăm phút. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, kết quả cuộc ĐGTT được đăng công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin ĐGTT và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá ngay sau khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá. Biên bản ĐGTT phải ghi nhận thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá, thời điểm kết thúc diễn biến của phiên đấu giá được hệ thống ĐGTT ghi nhận phải được trích xuất, có xác nhận của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản vận hành trang thông tin ĐGTT và đính kèm biên bản đấu giá.
3. Về việc trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Nghị định quy định chi tiết việc trả giá, chấp nhận giá trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các nội dung gồm: (i) Lựa chọn cách thức trả giá, chấp nhận giá; (ii) Trả giá, chấp nhận theo hai giai đoạn; (iii) Trả giá theo số lượng các khối băng tần đăng ký mua. Quy định cụ thể đối với trường hợp trả giá, chấp nhận giá theo hai giai đoạn sẽ bao gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá và giai đoạn xác định vị trí khối băng tần trúng đấu giá. Đối với trường hợp trả giá theo số lượng các khối băng tần đăng ký mua và thay đổi khối băng tần trả giá tại các vòng đấu giá thì cuộc đấu giá sẽ bao gồm nhiều vòng trả giá, người tham gia đấu giá được quyền chuyển đổi trả giá từ khối băng tần này sang khối băng tần khác tại các vòng trả giá, đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định khối băng tần muốn mua căn cứ vào diễn biến cuộc đấu giá và khả năng tài chính của doanh nghiệp.
4. Việc xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản
Nghị định quy định cụ thể hình thức xử lý vi phạm người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm trong thời 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá xem xét, ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá đối với loại tài sản đó từ 02 năm đến 05 năm đối với trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp người trúng đấu giá nộp không đầy đủ tiền trúng đấu giá. Thời hiệu xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá là 01 năm kể từ ngày ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá.