Một số quy định mới nổi bật về công chứng viên

Thứ sáu - 27/12/2024 14:35 57 0
Ngày 26/11/2024, Luật Công chứng đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật), có hiệu lực thi hành thay thế Luật Công chứng năm 2014. So với trước đây, Luật đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Công chứng năm 2014 đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, quy định về công chứng viên có một số điểm mới, nổi bật đáng chú ý. Cụ thể:
Một là, về hành nghề công chứng: Luật quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi. Đồng thời, để đảm bảo tính ổn định, Luật có quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Hai là, về đào tạo nghề công chứng: Luật bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng. Tuy nhiên, có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể (khoản 2, 3 Điều 11).
Ba là, về tập sự hành nghề công chứng: Quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng để giúp cho người tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Đồng thời, Luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự; được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến công chứng, chứng thực do công chứng viên hướng dẫn tập sự phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn tập sự về những công việc đó.
Bốn là, về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên: Quy định chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn để nâng cao chất lượng hành nghề của công chứng viên như: Bổ sung thêm các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, các trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên và các trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 14, 16, 17); hồ sơ, thủ tục, trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên do Chính phủ quy định.
Năm là, về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên của công chứng viên: Luật đã bổ sung một số quy định như: Có quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực; khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng. Quy định rõ nghĩa vụ của công chứng viên phải bảo đảm thời gian làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định của Luật này, gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó.
Với những quy định mới, nổi bật như trên sẽ nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hành nghề đồng thời làm rõ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chứng viên, góp phần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng trong thời gian tới./.

Tác giả bài viết: Thanh Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây