Kế hoạch số 65/KH-UBND đã xác định một số nhiệm vụ và giải pháp sau dây:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên: Đảm bảo có đủ về số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trình độ đào tạo ở cấp học mầm non và phổ thông. 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ. Bồi dưỡng tiếng dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phân công cán bộ theo dõi công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ trên địa bàn.
2. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo về giao thông để học sinh đi học thuận lợi. Đảm bảo khối phòng học, phòng học bộ môn được xây dựng đạt tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho học sinh khuyết tật học hòa nhập; có đầy đủ khối phòng phục vụ học tập và khối hành chính-quản trị đáp ứng yêu cầu các hoạt động của nhà trường nhằm tiếp tục nâng cao số lượng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường cơ sở vật chất, từng bước đảm bảo đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trang thiết bị dạy học trang bị cho các trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Chú trọng việc khai thác và sử dụng thiết bị dạy học gắn với việc đổi mới phương pháp dạy học. Có đủ sân chơi và bãi tập với diện tích phù hợp, được sử dụng thường xuyên, an toàn; môi trường xanh, sạch, đẹp; có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước; có công trình vệ sinh sử dụng thuận tiện.
3. Nâng cao chất lượng giáo dục: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, gắn việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với việc triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống các trường phổ thông tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông; Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông. Tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cồn bãi, … Phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, dòng họ trong việc vận động người mù chữ tham gia học tập. Cùng với việc tổ chức các lớp xóa mù chữ, tích cực mở các lớp học sau khi biết chữ để củng cố bền vững kết quả biết chữ, duy trì và từng bước nâng cao chuẩn biết chữ cho các đối tượng.
4. Công tác điều tra và cập nhật dữ liệu: Tổ chức điều tra, cập nhật dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào phiếu điều tra hộ gia đình đảm bảo đầy đủ, chính xác, tránh bỏ sót đối tượng (hoàn thành trước ngày 31/8/2023); thực hiện cập nhật số liệu vào hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
5. Công tác kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Tổ chức thực hiện và hướng dẫn cụ thể nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp theo các quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ và Thông tư số 07/2016/TTBGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.