Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ ba - 27/06/2023 15:17 728 0
Ngày 21/6/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 2243/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, với mục tiêu chung là nâng cao kim ngạch xuất khẩu; phát triển xuất khẩu hàng hóa bền vững, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường, phát huy lợi thế cạnh tranh và so sánh; xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Bình Định, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn giai đoạn 2021-2030 ước đạt 17,716 tỷ USD; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,918 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 9,798 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn giai đoạn 2021-2030 là 7,2%/năm; trong 17 đó giai đoạn 2021-2025 là 8,9%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 5,4%/năm (Phù hợp với Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Chính phủ).
Về định hướng phát triển: Duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) các mặt hàng chủ lực truyền thống của tỉnh như đồ gỗ nội, ngoại thất, may mặc, hải sản, vật liệu xây dựng, sản phẩm chất dẻo… Đối với các mặt hàng xuất khẩu dạng thô, khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động cần giảm dần tỷ lệ trong cơ cấu hàng xuất khẩu; phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng cao dần chiếm tỷ trọng đáng kể.
Về định hướng nâng cao năng lực hỗ trợ xuất khẩu: Tiếp tục cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trực tuyến hoặc qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazone. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng. Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hiệp hội, doanh nghiệp về cam kết của Việt Nam cũng như cam kết của các đối tác trong các FTA liên quan đến từng ngành, lĩnh vực. Tạo sự gắn kết để trao đổi thông tin, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics của tỉnh.
Đề án đã xác định một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, huy động nguồn lực phát triển xuất khẩu: Huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao và phát triển công nghệ
Thứ hai, hỗ trợ phát triển xuất khẩu của tỉnh: Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển sản phẩm mới và hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh; phát triển thương nhân.
Thứ ba, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển xuất khẩu: Thể chế môi trường kinh doanh; Quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu; Phát triển các loại hình dịch vụ logistics; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu.
Thứ tư, quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; Liên kết phát triển nguồn hàng xuất khẩu; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được thực hiện có vai trò rất quan trọng, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định được xây dựng trên cơ sở Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế theo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; thực trạng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Định trong thời gian qua và tính đến những xu hướng phát triển mới trong thương mại quốc tế nhằm khai thác hiệu quả sức mạnh nội lực của từng ngành và toàn nền kinh tế, cũng như tận dụng tốt những cơ hội của quá trình hội nhập, chủ động vượt qua thách thức trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu phát triển hàng xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới, cần phát huy tối đa nội lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài bằng nhiều hình thức hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đổi mới và hoàn thiện công tác cải cách hành chính cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển linh hoạt nhằm động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Tác giả bài viết: B.H

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây