Cần hướng dẫn rõ việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở phạm vi nào trong việc xử lý tang vật bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Thứ năm - 05/11/2020 16:40 5.436 0
Để xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

         “1. Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

          Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.

          Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

          2. Đối với tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo khoản 6 Điều 125 của Luật này phải được trả ngay cho người bị xử phạt sau khi thi hành xong quyết định xử phạt.

          3. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tổ chức bán ngay theo giá thị trường và việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

          4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

          5. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm độc hại thì phải tiến hành tiêu hủy theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

          6. Đối với các chất ma túy và những vật thuộc loại cấm lưu hành thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định tại Điều 33 và Điều 82 của Luật này.

          7………………………….”.

          Nhìn chung, là các quy định của Điều 126 nêu trên, trong quá trình thực hiện thì các cơ quan có thẩm quyền đều vận dụng và thực hiện một cách thuận lợi. Riêng nội dung quy định về trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì đã gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày. Bởi vì, nội dung này Luật quy định chưa rõ ràng, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên cách xử lý của mỗi cơ quan thực hiện cũng khác nhau. Điển hình như 02 vụ việc và 02 cách xử lý sau đây:

          Vụ việc thứ nhất: Trên cơ sở thi hành công vụ, Đội Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh B đã tiến hành kiểm tra xe ôtô mang biển số của tỉnh G đang lưu thông trên đường và phát hiện 37 hộp gỗ khối lượng 2,481m3 . Khi đang tiến hành công tác kiểm đếm thì tài xế bỏ trốn để lại tang vật và phương tiện vi phạm. Vì vậy, Đội trưởng Đội Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh B tiến hành lập biên bản, ra Quyết định tạm giữ tang vật vi phạm theo thủ tục hành chính. Vì không xác định được người vi phạm và chủ phương tiên vi phạm nên và Đội Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh B tiến hành xác minh nguồn gốc chiếc xe ôtô chở tang vật vi phạm đang mang biển kiểm soát tại tỉnh G. Qua xác minh thì chiếc xe này mang biển số giả, số máy, số khung bị đục biến dạng nên không xác định được nguồn gốc. Do không xác định được chủ sở hữu chiếc xe và người chủ sở hữu của 37 hộp gỗ khối lượng 2,481m3  là tang vật vi phạm nên Đội Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh B tiến hành thông báo tìm chủ sở hữu của số tang vật nói trên trên một tờ báo của Trung ương trong thời hạn 30 ngày. Quá thời hạn 30 ngày vẫn không có người đến nhận nên Đội đã đề xuất Chi Cục trưởng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh B ra quyết định tịch thu sung số gỗ và chiếc xe ôtô theo quy định. Trình tự, thủ tục xử lý vụ việc vi phạm này được đa số ý kiến đồng thuận, ủng hộ vì phù hợp theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 17Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính và thực tế diễn biến vụ việc.

          Vụ việc thứ hai: Ngày 22/12/2014 Công an thành phố Q, tỉnh B tiến hành kiểm tra xe ôtô biển số 43C- kéo rơmóc của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải TH (Sau đây gọi tắt là Công ty HT - có địa chỉ tại thành phố Đ) phát hiện trên xe vận chuyển một số hàng hóa là: sữa, rượu ngoại, thức ăn gia súc, linh kiện điển tử và một số chủng loại hàng hóa khác nhưng không có hóa đơn chứng từ. Qua xác minh thì xác định số hàng trên do một nhân viên của Công ty TH nhận của nhiều khách hàng tại bãi giao nhận hàng thành phố D vận chuyển về thành phố Đ sẽ có người đến nhận hàng (công ty TH đã nhận tiền vận chuyển). Theo lời khai của nhân viên này thì công ty không biết được hàng hóa gì trong các kiện đã được đóng gói và cũng không liên lạc được với người gửi, người nhận hàng.

          Do không xác định được chủ sở hữu của số lượng hàng hóa nói trên nên Công an thành phố Q đã ra Thông báo về việc tìm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật vi phạm hành chính. Việc thông báo này được thực hiện 3 lần trên Đài Truyền thanh thành phố Q (nơi có hàng hóa vi phạm bị tạm giữ). Quá thời hạn theo quy định kể từ ngày thông báo vẫn không có người đến nhận nên Công an thành phố Q đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh B ra quyết định tịch thu số hàng hóa vi phạm nói trên theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý này không được sự đồng thuận cao về trình tự, thủ tục xử lý của Công an thành phố Q nhất là thủ tục, phạm vi thông báo tìm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật vi phạm hành chính trên phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề này có 2 quan điểm như sau:

            Quan điểm thứ nhất: Nhất trí, đồng thuận với trình tự, thủ tục xử lý của Công an thành phố Q  vì Công an thành phố Q xử lý đúng theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 17Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Cụ thể, Điều 17Nghị định số 115/2013/NĐ-CP quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.Trong trường hợp này, theo quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Đài Truyền thanh thành phố Q cũng là một loại hình phương tiện thông tin đại chúng của địa phương được Nhà nước thừa nhận. Theo quy định thì hiện nay, phạm vi địa phương cũng chưa phân biệt được cấp tỉnh hay cấp huyện nên việc thông báo của Công an thành phố Q là đúng quy định là đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi tạm giữ tang vật vi phạm.

          Quan điểm thứ hai: Không đồng thuận với trình tự, thủ tục xử lý của Công an thành phố Q về cách thức thông báo vì không phù hợp với nội dung, bản chất của vụ việc vi phạm. Trong trường hợp này, nguồn gốc của hàng hóa vi phạm có xuất xứ từ thành phố D và nơi nhận hàng là thành phố Đ. Như vậy, trong thực tế thì chủ sở hữu, người sử dụng, người quản lý hợp pháp của số hàng hóa này có thể ở tại thành phố D hoặc thành phố Đ, không cư trú tại thành phố Q (nơi bị tạm giữ tang vật vi phạm) nên không thể nhận biết được thông tin thông báo của Đài Truyền thanh thành phố Q vì nội dung thông báo này chỉ được biết trong phạm vi của thành phố Q, tỉnh B. Mặt khác, theo lời khai của nhân viên công ty TH thì công ty chỉ thực hiện chức năng vận chuyển mà không biết và cũng không liên lạc được với người gửi, người nhận hàng. Như vậy, trong trường hợp này để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và bản chất, nội dung của vụ việc vi phạm trong việc tìm chủ sở hữu, người sử dụng, người quản lý hợp pháp của số hàng hóa vi phạm này, Công an thành phố Q phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương thì mới đảm bảo phạm vi thông báo và đề xuất xử lý đó mới đảm bảo đáng quy định về trình tự, thủ tục theo quy định.

          Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên giữa quy định của pháp luật với thực tiễn thi hành pháp luật và có nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề phạm vi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong việc tìm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật vi phạm hành chính. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cũng như ý kiến tham gia, trao đổi của quý độc giả để các cơ quan thi hành pháp luật có biện pháp giải quyết thống nhất, chính xác và phù hợp với các quy định của pháp luật./.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây