Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và đã được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2020. Sau hơn 12 năm triển khai thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục, phương thức điều hành hành chính, đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như: Về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; mức xử phạt không lập biên bản; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế, thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của các chức danh,... Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua.
Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
1. Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định “Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vi phạm, nhưng không quá 03 năm, kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản này;” nhằm đảm bảo thống nhất cách sử dụng từ ngữ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (điểm b khoản 1 Điều 6 Luật).
2. Khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định “Đối với địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương thuộc các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố trực thuộc Trung ương quy định.” nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính logic và tính phù hợp của văn bản.
3. Khoản 2 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định rõ “Trường hợp vi phạm hành chính mà pháp luật quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức nhưng được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản” cho phù hợp vì Điều 56 Luật quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.
4. Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định cụ thể thời hạn chuyển biên bản và các tài liệu khác cho người có thẩm quyền xử phạt là bao lâu kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính vì Điều 66 Luật quy định thời hạn ra quyết định xử phạt đối với trường hợp này là “vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này”.
5. Khoản 3 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định rõ “Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tự mình hoặc tổ chức, phân công người khác thực hiện xác minh. Trường hợp tổ chức, phân công người khác thực hiện xác minh, thì người có thẩm quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.” cho rõ nghĩa nội dung quy định.
6. Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định cụ thể thời hạn “không quá 05 ngày làm việc” được tính từ thời điểm nào, có phải là “không quá 05 ngày làm việc kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ” hay không để đảm bảo thống nhất khi áp dụng thực hiện.
7. Khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định rõ “Trường hợp không có thẩm quyền xử phạt, thì phải chuyển một trong các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ (bản sao y), giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tang vật, phương tiện vi phạm liên quan đến hành vi vi phạm hành chính trong vụ việc, trừ trường hợp tang vật, phương tiện là vật chứng và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày một trong các quyết định nêu trên có hiệu lực” cho thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng thực hiện.
8. Điều 99 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị xem xét một số vấn đề sau:
- Dự thảo chỉ quy định trường hợp hồ sơ vi phạm do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh chuyển chưa đầy đủ thì Trưởng Công an cấp xã đề nghị cơ quan, đơn vị đó bổ sung nhưng không quy định đề nghị bằng hình thức gì. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể hình thức đề nghị là bằng văn bản để có cơ sở quy định thời hạn bổ sung hồ sơ.
- Dự thảo chỉ quy định thời hạn bổ sung hồ sơ là 02 ngày làm việc nhưng không quy định thời hạn “02 ngày làm việc” được tính từ thời điểm nào. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể “thời hạn bổ sung hồ sơ là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của trưởng Công an cấp xã”.
9. Khoản 2 Điều 102 Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định rõ “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trưởng Công an cấp xã quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân khu vực áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì Trưởng Công an cấp xã chuyển lại hồ sơ cho Trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc để bổ sung hồ sơ; thời hạn bổ sung hồ sơ là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận lại hồ sơ.” để quy định được chặt chẽ, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thực hiện.
10. Khoản 2 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đề nghị quy định rõ “Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác định vi phạm hành chính hoặc xác minh được tình tiết làm căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính hoặc ra quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành” để đảm bảo tính thống nhất của điều khoản và thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật.