Hằng năm, Sở Tư pháp kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công tác bồi thường nhà nước tại địa phương từng bước đi vào ổn định cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Đối với công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước, khoản 3 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương có nhiệm vụ và quyền hạn như: Hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước; Xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 40 của Luật; Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước; Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định; Yêu cầu cơ quan giải quyết bồi thường báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong trường hợp cần thiết; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý; Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 của Luật mà không ra quyết định hủy; Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khoản 4 Điều 73 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định: “Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở địa phương”. Như vậy, Luật Trách Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định khá nhiều nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời, Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Do đó, để Sở Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở địa phương, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của Sở Tư pháp, cần phải có sự phối hợp tốt của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước tại Sở Tư pháp là kiêm nhiệm, so với nhiệm vụ của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì khó đáp ứng tốt được yêu cầu. Mặt khác, phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước rộng, các vụ việc phát sinh rất phức tạp, mang tính chuyên môn cao nếu giao cho một công chức thì không thể tham mưu sâu, chính xác đối với tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi bồi thường nhà nước theo quy định.
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công tác bồi thường nhà nước hiệu quả, cần có một số giải pháp: Bố trí nguồn nhân lực hợp lý, chuyên trách về công tác bồi thường nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn công việc, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Bộ Tư pháp tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ này, đảm bảo việc nhận thức áp dụng pháp luật thống nhất, thực hiện việc giải quyết bồi thường đúng quy định.
Ngoài ra, để triển khai kịp thời đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp cần xây dựng Phần mềm cơ sở dữ liệu về bồi thường nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về tình hình bồi thường và các hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường./.