Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng

Thứ hai - 02/06/2025 17:38 45 0
Nghị định số 104/2025/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định) ngày 15/5/2025 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng đã quy định cụ thể về phương thức chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng, chế độ chính sách liên quan và lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng, cụ thể:
Hình ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Hình ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

Nghị định đã nêu rõ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Hội công chứng viên tại địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng (sau đây gọi là Đề án), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc xây dựng Đề án phải lấy ý kiến của công chứng viên, viên chức khác, người lao động đang làm việc tại Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại Phòng công chứng (nếu có).
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp kèm theo Đề án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt Đề án, gửi Sở Tư pháp, Hội công chứng tại địa phương và Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức quy định tại khoản này.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tại địa phương thực hiện việc chuyển đổi Phòng công chứng theo Đề án đã được phê duyệt.
Về phương thức chuyển đổi Phòng Công chứng: Nghị định đã quy định quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được chuyển giao cho các công chứng viên đang là viên chức của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi. Giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được xác định là số tiền nộp ngân sách và nộp thuế trung bình trong 03 năm gần nhất của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi. Trường hợp công chứng viên của Phòng công chứng không nhận chuyển đổi Phòng công chứng hoặc không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Công chứng thì quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng được tổ chức bán đấu giá. Giá khởi điểm để đấu giá được xác định là số tiền nộp ngân sách và nộp thuế trung bình trong 03 năm gần nhất của Phòng công chứng. Việc bán đấu giá được thực hiện theo trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản công.
Quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng không bao gồm giá trị trụ sở, trang thiết bị và tài sản khác thuộc sở hữu của Nhà nước mà Phòng công chứng đó đang quản lý, sử dụng.
- Về Quyết định chuyển đổi Phòng công chứng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng theo đề nghị của Sở Tư pháp.
Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động như đối với Văn phòng công chứng được thành lập mới. Phòng công chứng được chuyển đổi chấm dứt hoạt động tại thời điểm quyết định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng có hiệu lực thi hành.
Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ trong hoạt động công chứng và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó.
- Về chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổiNghị định quy định việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động và pháp luật có liên quan.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tại địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 Điều này.
- Về xử lý tài sản tại Phòng công chứng được chuyển đổi: Việc xử lý tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đang do Phòng công chứng quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc xử lý tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.
- Về giải thể Phòng công chứng: Phòng công chứng thuộc trường hợp chuyển đổi thành Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng mà không chuyển đổi được thì bị giải thể.
Phòng công chứng chỉ được giải thể sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Công chứng và giải quyết chế độ, chính sách cho công chứng viên, viên chức khác, người lao động của Phòng công chứng theo quy định.
Việc giải thể Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật có liên quan.
- Ngoài ra, Nghị định đã quy định cụ thể lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng: Căn cứ mức tự chủ tài chính của Phòng công chứng, lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương được thực hiện như sau:
+ Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2026;
+ Đối với các Phòng công chứng tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2027;
+ Đối với các Phòng công chứng không thuộc điểm a và điểm b khoản này: Chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2028.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của Luật Công chứng, Nghị định này, pháp luật về tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình thực tế tại địa phương để quyết định việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng của địa phương phù hợp với lộ trình quy định.

Tác giả bài viết: H.N

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
<